Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Dịch vụ đăng ký tên miền (domain) Internet sẽ phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường

ICTnews – Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Bộ TT&TT sẽ ban hành cơ chế mới về thu phí đăng ký tên miền Internet. Theo đó, nhà nước sẽ không thu phí đăng ký tên miền và trả hoa hồng cho các đại lý như hiện nay, mà phí đăng ký sẽ do các nhà đăng ký tên miền tự quyết định theo cơ chế thị trường cạnh tranh.



 Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Bộ TT&TT đã thực hiện xã hội hóa rất tốt việc đăng ký tên miền Internet, tính đến thời điểm này toàn bộ việc đăng ký tên miền đều do các nhà đăng ký tên miền làm. Hiện tại nhà nước thu phí sử dụng tên miền và cho các nhà đăng ký tên miền hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện xã hội hóa đăng ký tên miền, Bộ TT&TT thấy rằng cần ban hành một cơ chế mới về thu phí tên miền và chi trả hoa hồng cho nhà đăng ký tên miền, tuy nhiên mức phí chi trả bao nhiêu thì chưa được đưa ra.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng yêu cầu Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc quản lý tên miền theo hướng nhà nước sẽ không thu phí đăng ký tên miền và cũng không chi trả hoa hồng cho các nhà đăng ký tên miền như hiện nay. Thay vào đó, Nhà nước chỉ thu phí sử dụng tên miền, còn đối với việc đăng ký tên miền các nhà đăng ký tự căn cứ vào chi phí doanh nghiệp để tự định mức phí đăng ký tên miền để thu phí. Như vậy lĩnh vực đăng ký tên miền sẽ trở thành thị trường cạnh tranh, các nhà đăng ký tên miền tự định giá cả để đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường, khi thị trường cạnh tranh thực sự sẽ đưa mức phí đăng ký tên miền xuống thấp, có lợi hơn cho người sử dụng tên miền.

“Nếu thực hiện theo cơ chế mới nói trên, do không còn thu phí đăng ký tên miền, nhà nước sẽ giảm phí sử dụng tên miền xuống, việc kinh doanh tên miền sẽ hoàn toàn theo cơ chế thị trường, do thị trường tự quyết định. Vấn đề này đã được đưa ra tại một số hội nghị của Bộ TT&TT trong năm 2014”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết.

Thống kê của VNNIC cho hay, từ đầu năm 2014 cho đến ngày 15/12/2014 đã phát triển mới được 100.319 tên miền “.vn”, nâng tổng số tên miền “.vn” lên 297.235 tên miền, tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Với kết quả này, tên miền “.vn” tiếp tục khẳng định vị trí là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, tên miền “.vn” đang vươn tầm ảnh hưởng ra khu vực châu Á. Trong bảng xếp hạng 22 tên miền quốc gia có số lượng tên miền đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực châu Á do Hiệp hội các tổ chức quản lý tên miền cấp cao mã quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APTLD) công bố, tên miền “.vn” đứng thứ 7.

Về tên miền tiếng Việt, tính đến ngày 15/12/2014, đã có 83.330 tên miền đăng ký mới, nâng tổng số tên miền tiếng Việt lên 983.199 tên miền. Trong đó, số lượng tên miền đã được đưa vào sử dụng thực tế trên các loại dịch vụ là 172.332, chiếm hơn 17,5% tổng số tên miền tiếng Việt đang duy trì trên hệ thống.

Tháng 7/2014, số lượng tên miền tiếng Việt đăng ký trên hệ thống đã chạm mốc 1 triệu, đưa tên miền đa ngữ Việt Nam đứng thứ nhất trên thế giới về số lượng đăng ký. Đây là kết quả ấn tượng, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng và tiềm năng phát triển tên miền tiếng Việt, đánh dấu sự phát triển Internet ở Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện VNNIC, con số 1 triệu tên miền này còn tồn tại một lượng không nhỏ các tên miền “ảo”, không đưa vào sử dụng, đăng ký để giữ chỗ. Vì thế, trong nửa cuối năm 2014, VNNIC đã tập trung mục tiêu đưa tên miền tiếng Việt phát triển về chất, thay vì phát triển về lượng như những năm trước. Tính đến giữa tháng 12/2014, VNNIC đã thanh lọc 59.000 tên miền tiếng Việt đăng ký nhưng không đưa vào sử dụng, chủ thể không liên lạc được. Việc thanh lọc giúp đẩy tỉ lệ sử dụng tên miền tiếng Việt từ 16,4% lên 17,5% hiện tại và hướng tới đạt mức trên 20% vào dịp kỷ niệm 4 năm tên miền tiếng Việt tự do, miễn phí (28/4/2015).

Bên cạnh đó, năm 2014, với số lượng địa chỉ IPv4 được cấp cho các thành viên tính đến ngày 15/12/2014 là trên 15,6 triệu địa chỉ, Việt Nam vẫn là quốc gia đứng thứ hai trong khu vực ASEAN; đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 27 trong tổng số các quốc gia giữ nhiều IPv4 nhất toàn cầu.
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét