Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Phát triển điện toán đám mây (Cloud computing)

Theo các chuyên gia công nghệ, năm 2015 sẽ là năm bùng nổ của thị trường điện toán đám mây khi hội tụ đủ những yếu tố như nhà cung cấp dịch vụ, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp, cơ chế chính sách…




Đặc biệt, với sự am hiểu thị trường, ngôn ngữ, các nhà cung cấp dịch vụ trong nước sẽ có ưu thế đặc biệt khi triển khai dịch vụ này.


Sẵn sàng


Nếu như cách đây vài năm, điện toán đám mây (Cloud Computing) còn khá xa lạ với người Việt Nam thì đến nay, thuật ngữ này đã trở nên phổ biến.

Thực tế cho thấy, điện toán đám mây hiện được coi là giải pháp hiệu quả nhất cho những vấn đề nhiều công ty đang gặp phải như thiếu năng lực CNTT, chi phí đầu tư hạ tầng hạn chế…  Có nhiều doanh nghiệp đang hoang phí tài nguyên như không khai thác hết công suất của hệ thống máy chủ, đầu tư quá nhiều về mặt con người. Trong khi đó, về lý thuyết, “đám mây” sẽ cho phép doanh nghiệp không cần tập trung quá nhiều cho cơ sở hạ tầng hoặc nâng cấp ứng dụng, không đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và có thể dễ dàng thay đổi quy mô khi cần.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Đại diện của Cloud World (đơn vị hàng đầu về dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây), hiện thị trường Việt Nam đã dần tiếp cận các dịch vụ điện toán đám mây thông qua các dự án của những nhà phát triển, cung cấp trong nước như VDC (VNPT), FPT, Viettel với Microsoft, Intel… Và kết quả ban đầu cho thấy, khi áp dụng điện toán đám mây, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể.

Một khảo sát của VMware vào cuối năm 2013 chỉ ra rằng, có tới 83% doanh nghiệp Việt Nam coi đám mây là ưu tiên hàng đầu; 67% doanh nghiệp cho rằng điện toán đám mây có ảnh hưởng lớn tới hoạt động chuyển đổi kinh doanh. Đặc biệt, nhiều chỉ số cho thấy Việt Nam là nước có cách nhìn nhận về đám mây (41%) cao hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (35%).

Dẫn một khảo sát mới đây của Symantec, đại diện Cloud World cho biết hiện có khoảng 46% doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam đang triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và các dự án ảo hóa khác. Trong đó, 39% doanh nghiệp trong nước hiện đang sử dụng dịch vụ phần mềm ảo tư nhân (VPS), trong khi 21% đang ảo hóa máy chủ và cơ sở dữ liệu.

Trong năm 2014, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho cơ quan nhà nước thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin cũng tạo đà cho các doanh nghiệp công nghệ có các dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây phát triển.

Ưu thế từ doanh nghiệp nội


Rõ ràng, với những ưu việt đem lại, nhiều chuyên gia nhận định điện toán đám mây hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm 2015. Thế nhưng, một trong những rào cản lại chính là ngôn ngữ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (Cloud World) nhận định, đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ và ngôn ngữ chính là rào cản lớn nhất trong việc tìm kiếm những công nghệ trợ giúp cho kinh doanh của họ. Chính vì thế, các nhà cung cấp dịch vụ trong nước sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp trong nước với xu thế công nghệ thế giới. Việc này đòi hỏi một trình độ nhất định về công nghệ, sự am hiểu thói quen của doanh nghiệp Việt Nam và trên hết là khả năng đào tạo thị trường gắn với công nghệ. Và, điều đó chỉ ở các doanh nghiệp trong nước bởi họ là những người hiểu rõ người dùng nhất.

Cũng theo ông Anh Tuấn, hiện có nhiều doanh nghiệp lớn đang “bắt tay” cùng doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia vào thị trường công nghệ điện toán đám mây và đem lại cho người dùng nhiều lựa chọn phù hợp.

Nhiều chuyên gia về công nghệ thông tin cũng cho rằng, việc “sánh đôi” với các doanh nghiệp trong nước là một trong những hướng đi đúng đắn của các tập đoàn lớn về điện toán đám mây nước ngoài. Hơn ai hết, những công ty công nghệ nội hiểu rất rõ nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, yếu tố pháp lý, văn hóa doanh nghiệp cũng sẽ giúp sự hợp tác thành công, đưa công nghệ tới người tiêu dùng đích thực. Đây có thể xem là sự bổ khuyết hợp lý để đưa công nghệ điện toán đám mây phát triển đột phá, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, để thị trường phát triển bền vững, bên cạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp công nghệ nội cần phải tiến tới làm chủ công nghệ, nhất là vấn đề an toàn bảo mật để có thể chủ động trong việc phát triển thị trường, giải quyết ngay những vấn đề mà đối tác gặp phải trong quá trình sử dụng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét